Liên kết bu lông là liên kết phổ biến nhất cho nhà thép tiền chế do khả năng chịu lực tốt, tính cơ động cao và dễ dàng trong công tác lắp dựng cũng như sửa chữa
1. Giới thiệu về bu lông
Bu lông là một cấu kiện được dùng để liên kết các chi tiết thành hệ thống, khối, khung giàn. Một bộ bu lông thường gồm thân bu lông, đai ốc (ê cu) và long đen.
Nguyên lý làm việc của bu lông là dựa vào sự ma sát giữa các vòng ren của bulong và đai ốc (ê cu) để kẹp chặt các chi tiết lại với nhau.
Phần đầu bu lông có nhiều hình dạng khác nhau phục vụ cho các mục đích khác nhau như: bu lông đầu lục giác, bu lông đầu vòng, bu lông đầu cánh chuồn… Nhưng thông dụng và phổ biến nhất cho nhà thép tiền chế là loại bu lông đầu lục giác.
Bu lông đầu lục giác - bu lông đầu tròn - bu lông đầu cánh bướm
2. Phân loại bu lông
Tùy vào mục đích sử dụng, yêu cầu liên kết, yêu cầu về cường độ và độ bền… bu lông có thể chia ra làm nhiều loại khác nhau.
a. Theo vật liệu chế tạo:
Bu lông được chế tạo từ thép cacbon, thép hợp kim: Được sử dụng phổ biến trong ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp. Ngành thi công lắp dựng nhà thép tiền chế cũng sử dụng loại này. Loại này có ưu điểm rẻ, dễ gia công chế tạo nhưng nhược điểm là độ bền trong môi trường không cao, dễ han gỉ.
Bu lông được chế tạo từ thép không gỉ ( INOX): Đây là loại bu lông có khả năng chống ăn mòn hóa học hay ăn mòn điện hóa từ môi trường. Các loại Inox thường dùng là INOX 201, INOX 304, INOX 316, INOX 316L
Bulong được chế tạo từ các kim loại màu, hợp kim màu: Đồng, nhôm, kẽm: Loại bu lông này được sản xuất từ chủ yểu để đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp đặc thù: ngành điện, chế tạo máy bay, sản xuất và xử lý nước…
Bu lông và nhà khung thép
Công tác lắp dựng dầm thép bằng liên kết bu lông
b. Phân loại theo đặc tính chống ăn mòn:
Vì bu lông được dùng để liên kết các cấu kiện lại với nhau, nên đảm bảo độ bền của bu lông chống lại sự ăn mòn, han gỉ của thời tiết là rất quan trọng. Một chi phí không nhỏ trong ngành chế tạo bu lông là tìm ra các giải pháp để bảo vệ bu lông chống lại sự phá hủy của thời tiết và môi trường. Dựa vào đặc tính này bu lông có thể phân chia ra các loại:
- Bu lông thường: Được dùng cho bu lông móng trong lắp dựng nhà khung thép, do phần lớn thân bu lông nằm trong bê tông móng nhằm mục đích liên kết hệ kết cấu bên trên với hệ kết cấu móng bằng bê tông côt thép đổ tại chỗ.
- Bu lông đen: dùng chủ yếu trong liên kết các chi tiết máy, được bảo vệ chống han giri bởi lớp dầu mỡ
- Bu lông mạ kẽm điện phân, bu lông mạ kẽm nhúng nóng: Dùng nhiều cho bu lông liên kết nhà khung thép
- Bu lông INOX: Dùng chủ yếu cho các chi tiết yêu cầu tuyệt đối không han gỉ, đảm bảo độ thẩm mỹ cao trong quá trình sử dụng.
c. Phân loại theo phương pháp chế tạo và yêu cầu chính xác khi gia công:
- Bu lông thô
- Bu lông nửa tinh
- Bu lông tinh
d. Phân loại theo chức năng làm việc
Dựa trên mục đích sử dụng thì bu lông được chia thành 2 loại chính: Bu lông liên kết và bu lông neo.
Bu lông liên kết là loại bu lông có chức năng liên kết các chi tiết cột, kèo, dầm, xà gồ với nhau. Các bu lông thường được sử dụng là M12 đến M22.
Bu lông neo: Được sử dụng để liên kết hệ kết cấu bên trên với hệ kết cấu móng bê tông cốt thép. Bu lông neo được đặt sẵn vào trong móng trước khi đổ bê tông. Bu lông neo thường dùng các loại đường kính M22 trở lên.
Bu lông móng đường kính M24x750
Ngoài cách đặt bu lông trước khi đổ bê tông. Người ta có thể đặt sau bằng cách sử dụng bu lông nở ( còn gọi là nở sắt) hoặc bu lông liên kết bằng keo hóa chất. Một số loại hóa chất thông dụng hiện nay ở Việt Nam là Sika, Ramset…
Bu lông và keo hóa chất Ramset G5
e. Phân loại theo cường độ chịu lực của bu lông ( cấp độ bền)
Tùy vào yêu cầu khả năng chịu lực mà người ta sản xuất nhiều loại bu lông với các khả năng chịu lực khác nhau.
Ví dụ cấp bền 4.6; cấp bền 5.8; cấp bền 6.5; cấp bền 8.8; cấp bền 10.9