Khung thép nhà cao tầng nếu không có hệ giằng sẽ rất yếu khi chịu tải trọng ngang, vì nếu các nút được mô hình hóa như những liên kết khớp tương tự ở các loại dàn thép thì kết cấu khung sẽ dễ dàng bị siêu lệch hoặc biến hình dưới tác dụng của lực ngang.
Để tránh cho khung sườn không mất ổn định tổng thể như vậy, đơn giản nhất là tạo ra những hệ giằng trong các vách và lõi cứng dưới dạng khung giằng bằng thép hình, được bảo vệ chống xâm thực và tăng cường khả năng chịu lực bằng cách liên hợp với bê tông đổ tại chỗ bọc xung quanh.
Trên mặt bằng, hệ giằng đứng cần bố trí theo cả 2 hướng. Trong nội thất các hệ giằng này thường là những trở ngại cho vấn đề bố trí mặt bằng kiến trúc.
Cho nên cũng cần chú ý một số nguyên tắc sau:
– Hệ giằng không được bố trí tại những vách ngăn tạm, vì không thể di chuyển hoặc thay đổi trong quá trình khai thác sử dụng công trình.
– Hệ giằng mặt ngoài của cao ốc phải kết hợp với ý tưởng về kiến trúc mặt đứng của công trình.
– Hệ giằng phải kết hợp với quy hoạch giao thông nội bộ trong từng sàn tầng, tương ứng với phương án bố trí cầu thang bộ thoát hiểm, giếng thang máy v.v…
Hệ giằng trong mặt phẳng mái nhà thép tiền chế
Đây là hệ giằng chủ yếu đảm bảo tính chất biến hình của công trình, bảo đảm sự ổn định của toàn dàn vì kèo cũng như của thanh cánh nén. Tuỳ theo chiều dài của nhà, độ lớn của dàn vì kèo, kết cấu tường đầu hồi mà có thể cấu tạo của hệ giằng mái như sau:
– Trường hợp chiều dài nhà nhỏ hơn 20m và có tường đầu hồi cứng có thể chịu được lực ngang (tường gạch lớn hơn 220) thì có thể dùng ngay xà gồ để làm giằng, với điều kiện xà gồ phải được cấu tạo liên kết chặt vào thanh kèo (thanh cánh thượng) cũng như vào tường hồi.
– Trường hợp tường hồi không đủ cứng để chịu được lực ngang, cũng như khi nhà dài quá (khoảng cách giữa các tường ngang lớn hơn 20m) thì phải tạo ra những khối cứng ở hai đầu nhà và chiều dài nhà, cách nhau không quá 20m để làm điểm tựa cho các xà gồ ổn định các dầm vì kèo khác ở khoảng giữa. Khối cứng gồm hai dàn vì kèo cạnh nhau, thanh kèo được nối nhau bằng các thanh giằng chéo chữ thập, tạo thành một dàn nằm nghiêng. Thanh giằng chéo đóng đinh trực tiếp vào thanh kèo hoặc qua các đai thép mỏng, chỗ giao nhau giữa giằng chéo và xà gồ cũng cần liên kết chặt.
Hệ giằng đứng
Có tác dụng liên kết cho các mặt của thanh quá giang không vênh khỏi mặt dàn vì kèo, đảm bảo dàn vì kèo có vị trí thẳng đứng, đặc biệt khi có gió lớn, nên còn được gọi là giằng gió. Giằng đặt trong mặt phẳng thẳng đứng ở giữa dàn vì kèo nối từng đôi vì kèo với nhau và có thể cách vài ba gian thì bố trí một hệ giằng đứng. Không nên làm kiên tục, vì khi một dàn vì kèo bị phá huỷ thì sẽ gây ra phản ứng dây chuyền.
Khi nhịp của dàn vì kèo lớn hơn 15m thì phải làm hai hoặc ba hệ giằng đứng trong các mặt phẳng thanh chống đứng khác nhau của dàn vì kèo.
Hệ giằng đứng bao gồm hai thanh thép chữ thập và một thanh ngang nối các thanh quá giang, thanh chéo bắt bulông vào thanh đứng của dàn vì kèo hoặc bắt bulông vào xà gồ và thanh quá giang của dàn vì kèo, thanh chéo còn được làm bằng thép tròn, bắt vít vào cánh dàn vì kèo.