Go to top
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

QUẢNG CÁO

Thị trường thép dự báo sẽ chững lại


Thị trường thép dự báo sẽ chững lại

Ông Chu Đức Khải, Phó Chủ tịch kiệm Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, năm 2018, còn nhiều yếu tố bất thường do đó Hiệp hội dự kiến tốc độ tăng trưởng của toàn ngành sẽ chỉ ở mức 5-7% so với 2017.

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam, biến động giá thép thị trường thép thế giới, đặc biệt trong tuần đầu tháng 3/2018, đã có tác động đến sản xuất thép trong nước.

Tính đến hết tháng 31/1/2018, nhập khẩu thép các loại đạt gần 1,2 triệu tấn, với tổng kim ngạch hơn 808 triệu USD, giảm 5% về lượng, nhưng tăng 22% về giá trị.

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chính, với lượng nhập khẩu gần 404 nghìn tấn thép, giảm 40% về lượng nhưng chỉ giảm 11% về trị giá. Tỷ trọng thép nhập khẩu từ quốc gia này chỉ còn chiếm ~34% tổng lượng thép thành phẩm nhập khẩu, giảm khá nhiều về tỷ trọng so với các năm trước (thường khoảng gần 50% trong tổng lượng thép nhập khẩu). Tiếp đến là Nhật Bản (17%), Hàn Quốc (15,68%), Đài Loan - Trung Quốc (13,33%), Ấn Độ (7,65%).

Tính đến hết tháng 1/2018, xuất khẩu thép thành phẩm đạt hơn 446.000 tấn, với kim ngạch  đạt 321 triệu USD, tăng 38% về lượng, và tăng 63% về giá trị. ASEAN vẫn là thị trường xuất khẩu chính, với lượng xuất khẩu hơn 300.000 tấn thép, chiếm tới hơn 67% tổng lượng thép thành phẩm xuất khẩu.  Tiếp đến là các thị trường Hoa Kỳ (11,28%), EU (5,07%), Đài Loan- Trung Quốc (3,42%), Hàn Quốc (3,15%).

Ông Khải cho biết, thống kê sợ bộ tổng cục hải quan ghi nhận 2 tháng đầu năm 2018 xuất khẩu thép của Việt Nam là 124,6 nghìn tấn, đem lại giá trị 104 triệu USD, cao hơn 2 lần về lượng cũng như về giá so với cùng kỳ năm 2017.

Thêm vào đó, xuất khẩu các sản phẩm chế tạo từ nguyên liệu sắt, thép, mang về khoản giá trị 73,6 triệu USD, tăng gần 40% so với thời gian cùng kỳ 2017. Hiện Việt Nam đang đứng số 12 trong số 20 nguồn thép nhập khẩu vào Mỹ.

Những tháng đầu năm 2018, khi chưa bị áp thuế thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp nhập khẩu Mỹ đã tăng tốc thúc đẩy nhập lô hàng về trước khi có quyết định áp thuế. Do đó trong 2 tháng đầu năm 2018, lượng nhập khẩu tăng đáng kể.

Trong những tháng tới, Hiệp hội dự kiến xuất khẩu sẽ bị chững lại, tùy thuộc vào hành động Chính phủ trong việc tham vấn với chính phủ Mỹ và bộ thương mại Mỹ.

Năm 2017, bức tranh toàn ngành thép khá tốt, sản xuất tăng, tiêu thụ ổn định, xuất khẩu thép tăng nhiều. Trong năm 2017, xuất khẩu thép đạt mức mức 4,7 triệu tấn và đưa về kim ngạch là 3,1 tỷ USD. Chỉ tiêu tiêu thụ thép biểu kiến (mức độ tiêu thụ thép của toàn bộ nền kinh tế quốc dân) giảm 3,4%.

Năm 2018, còn nhiều yếu tố bất thường do đó Hiệp hội Thép việt Nam dự kiến tốc độ tăng trưởng thép biểu kiến sẽ ở mức 5-7% so với 2017, nếu như Nhà nước duy trì tốc độ tăng trưởng  6,5 - 6,7 GDP. Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của Nhà nước và các dự án xã hội hóa lớn giữ được đúng tiến độ. Lượng xuất khẩu 2018 có thể bị giảm nhưng tiêu thụ thép trong nước sẽ tăng cao hơn.

Ông Khải cho hay, việc Việt Nam có được hưởng miễn thuế từ Mỹ hay không, điều này phải kỳ vọng, tùy thuộc vào tác động của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, cần tiến hành ngay và sớm những cuộc tham vấn với Bộ Thương mại, Thư ký Thương mại của Chính phủ Mỹ. 

"Chúng ta phải chứng minh được là các sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ chỉ dùng cho công trình xây dựng thông thường, với việc nhập khẩu chỉ chiếm 1,67% thì đó là lượng rất nhỏ so với con số hàng năm nước Mỹ nhập khẩu là trên 30 triệu tấn. Điều đó sẽ không tác động nhiều đến an ninh quốc phòng, công ăn việc làm và lao động của Mỹ. Không ảnh hưởng nhiều đến các nhà sản xuất thép của Mỹ".